Thứ Bảy, 6 tháng 11, 2010

Thủ tục hành chính: Khảo kiểm nghiệm giống cây trồng

 Khảo nghiệm Quốc gia giống cây trồng
1. Cơ sở pháp lý
- Pháp lệnh Giống cây trồng;
- Quyết định số 19/2006/QĐ-BNN, ngày 21 tháng 3 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT
2. Quy trình và thẩm quyền giải quyết:
* Thẩm quyền giải quyết: Cơ sở khảo nghiệm
* Quy trình:
- Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đăng ký khảo nghiệm với cơ sở khảo nghiệm.
- Cơ sở khảo nghiệm tiếp nhận và kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ.
- Tổ chức, cá nhân ký hợp đồng với cơ sở khảo nghiệm và gửi mẫu giống.
- Cơ sở khảo nghiệm tiến hành khảo nghiệm.
- Trả kết quả (Báo cáo hoạt động khảo nghiệm).
3. Yêu cầu hồ sơ:
a) Bản đăng ký khảo nghiệm (theo mẫu);
b) Tờ khai kỹ thuật (theo mẫu).
4. Thời gian giải quyết
- Kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ: 5 ngày kể từ khi nhận hồ sơ.
- Trả kết quả: Không quy định
5. Phí, lệ phí
Tổ chức, cá nhân có giống cây trồng nông nghiệp mới đăng ký khảo nghiệm phải nộp phí, lệ phí theo quy định.

Sản xuất thử giống cây trồng
1. Cơ sở pháp lý
- Pháp lệnh giống cây trồng;
- Quyết định số 19/2006/QĐ-BNN, ngày 21 tháng 3 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT.
2. Quy trình và thẩm quyền giải quyết:
* Thẩm quyền giải quyết:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT cho phép;
- Cục Trồng trọt tiếp nhận.
* Quy trình:
- Tổ chức, cá nhân có giống cây trồng mới đề nghị được sản xuất thử lập hồ sơ gửi về Cục Trồng trọt.
- Cục Trồng trọt thẩm định và nhận xét bằng văn bản đối với kết quả khảo nghiệm.
- Trình Bộ thành lập Hội đồng khoa học chuyên ngành đánh giá kết quả khảo nghiệm.
- Hội đồng khoa học chuyên ngành đánh giá kết quả khảo nghiệm.
- Cục Trồng trọt trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép sản xuất thử.
- Trả kết quả.
3. Yêu cầu hồ sơ:
a) Đơn đề nghị công nhận giống cho sản xuất thử (theo mẫu);
b) Báo cáo kết quả khảo nghiệm (đối với các giống cây trồng chính phải có kết quả khảo nghiệm DUS, VCU);
c) Biên bản Hội đồng Khoa học cơ sở.
4. Thời gian giải quyết
Thời gian thẩm định và thành lập Hội đồng : 30 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ.
5. Phí, lệ phí
Chưa có quy định

Công nhận giống cây trồng mới
1. Cơ sở pháp lý
- Pháp lệnh Giống cây trồng;
- Quyết định số 19/2006/QĐ-BNN, ngày 21 tháng 3 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT.
2. Quy trình và thẩm quyền giải quyết:
* Thẩm quyền giải quyết:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận;
- Cục Trồng trọt tiếp nhận.
* Quy trình:
- Tổ chức, cá nhân có giống đề nghị công nhận lập hồ sơ gửi về Cục Trồng trọt.
- Cục Trồng trọt thẩm định hồ sơ, có ý kiến đánh giá bằng văn bản.
- Trình Bộ thành lập Hội đồng Khoa học chuyên ngành tổ chức đánh giá kết quả sản xuất thử.
- Hội đồng Khoa học chuyên ngành thẩm định kết quả sản xuất thử và đề xuất ý kiến về việc công nhận giống cây trồng mới.
- Cục Trồng trọt trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận giống cây trồng mới.
- Trả kết quả.
3. Yêu cầu hồ sơ:
a) Đơn đề nghị công nhận giống cây trồng mới (theo mẫu);
b) Báo cáo kết quả sản xuất thử;
c) Quy trình kỹ thuật sản xuất của giống đề nghị công nhận;
d) Văn bản đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi sản xuất thử đối với giống đề nghị công nhận;
e) Biên bản của Hội đồng khoa học cơ sở ;
f) Biên bản hội nghị đầu bờ đánh giá kết quả sản xuất thử;
g) Ý kiến của tổ chức, cá nhân khác (nếu có).
Đối với giống đề nghị công nhận thuộc đề tài nghiên cứu khoa học có sử dụng ngân sách nhà nước gửi thêm 01 bộ hồ sơ về Vụ Khoa học Công nghệ để theo dõi.
4. Thời gian giải quyết
Thời gian thẩm định và thành lập Hội đồng : 30 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ.
5. Phí, lệ phí
Chưa có quy định

Công nhận đặc cách giống cây trồng mới
1. Cơ sở pháp lý
- Pháp lệnh Giống cây trồng;
- Quyết định số 19/2006/QĐ-BNN, ngày 21 tháng 3 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT
2. Quy trình và thẩm quyền giải quyết:
* Thẩm quyền giải quyết:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận;
- Cục Trồng trọt tiếp nhận.
* Quy trình:
- Tổ chức, cá nhân có giống đề nghị công nhận lập hồ sơ gửi về Cục Trồng trọt.
- Cục Trồng trọt thẩm định hồ sơ, có ý kiến đánh giá bằng văn bản.
- Trình Bộ thành lập Hội đồng Khoa học chuyên ngành tổ chức đánh giá kết quả sản xuất thử.
- Hội đồng Khoa học chuyên ngành thẩm định kết quả sản xuất thử và đề xuất ý kiến về việc công nhận đặc cách giống cây trồng mới.
- Cục Trồng trọt trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Công nhận giống cây trồng mới.
- Trả kết quả.
3. Yêu cầu hồ sơ:
a) Đơn đề nghị công nhận giống cây trồng mới (theo mẫu);
b) Báo cáo kết quả sản xuất thử;
c) Quy trình kỹ thuật sản xuất của giống đề nghị công nhận;
d) Ý kiến của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi sản xuất thử đề nghị công nhận đặc cách
đ) Biên bản của Hội đồng khoa học cơ sở;
e) Biên bản hội nghị đầu bờ đánh giá kết quả sản xuất thử;
g) Ý kiến của tổ chức, cá nhân khác (nếu có).
4. Thời gian giải quyết
Không quy định
5. Phí, lệ phí
Chưa có quy định

Công nhận cơ sở khảo nghiệm giống cây trồng
1. Cơ sở pháp lý
- Pháp lệnh Giống cây trồng;
- Quyết định số 19/2006/QĐ-BNN, ngày 21 tháng 3 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2. Quy trình và thẩm quyền giải quyết:
* Thẩm quyền giải quyết:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận;
- Cục Trồng trọt tiếp nhận.
* Quy trình:
- Tổ chức có đủ điều kiện khảo nghiệm giống cây trồng theo quy định lập hồ sơ gửi về Cục Trồng trọt;
- Cục Trồng trọt tổ chức thẩm định;
- Cục Trồng trọt trình Bộ công nhận cơ sở khảo nghiệm;
- Trả kết quả.
3. Yêu cầu hồ sơ:
a) Đơn đề nghị công nhận cơ sở khảo nghiệm (theo mẫu);
b) Tờ khai các điều kiện thực hiện khảo nghiệm;
c) Bản sao Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ của cơ sở.
4. Thời gian giải quyết
Thời gian thẩm định, trình Bộ: 60 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ.
5. Phí, lệ phí
Chưa có quy định
(Nguồn cục trồng trọt)

Phương pháp lấy mẫu một số cây trồng phổ biến.


Một số vấn đề thường gặp trên cây lúa!

Câu 1:
Biện pháp luân canh với cây rau màu và cây lúa trong kỹ thuật canh tác có lợi ích gì?(Tại sao thường áp dụng trong vụ xuân hè hơn trong các vụ khác?)
Trả lời:
-          Trong vụ xuân hè thì tổng số giờ nắng cao hơn các vụ khác cho nên lượng bốc thoát hơi nước là cao nhất trong các vụ nên có thể gây ra hiện tượng thiếu nước khi sản xuất lúa. Trong khi đó trồng lúa phải cần lượng phải cần nhiều nước hơn trồng màu vì thế trồng màu trong vụ xuân hè sẽ thích hợp hơn.
-          Luân canh lúa với các cây trồng khác tránh được nguồn sâu bệnh tích luỹ trên lúa từ vụ này sang vụ khác. Đặc biệt là rầy nâu là loại đơn kí chủ nên khi luân canh sẽ dễ dàng cắt đứt sự lây lan của rầy nâu.
-          Chuyển đổi điều kiện canh tác từ yếm khí ngập nước sang điền kiện canh tác thông thoáng đầy đủ dưỡng khí giúp cho sự khoáng hóa của chất hữu cơ trong đất nhanh hơn giúp cung cấp thêm nhiều dưỡng chất cho đất.
-          Giảm được áp lực cạnh tranh của cỏ dại vì cỏ dại thường phát triển trên những môi trường nhất định trên môi trường trồng lúa sẽ có những cỏ dại như lồng vực, đuôi phụng, mác bao, chác, lác, những loài cỏ lá rộng thủy sinh… mà chúng rất khó sinh trưởng và phát triển được trên môi trường trồng cạn.
-          Hiệu quả kinh tế của cây lúa trong vụ xuân hè thường thấp do đó trồng rau màu trong vụ xuân hè sẽ đem lại hiểu quả kinh tế cao hơn trồng lúa.
Câu 2:
Biện pháp khắc phục lúa hai tầng ?
a)     Nguyên nhân:
-          Do giống không thuần bị lẫn các giống khác. Các giống khác nhau sẽ có chiều cao khác nhau nên khi phát triển sẽ gây ra hiện tượng lúa 2 tầng.
-          Giống bị lẫn lúa cỏ, hạt lúa cỏ khi rụng xuống qua vụ sau sẽ nảy mần và mọc rất nhanh nên gây ra hiện tượng lúa 2 tầng.
b)     Biện pháp khắc phục:
-          Chọn giống thuần không lẫn các giống khác và lúa cỏ.
-          Làm đất kĩ để loại bỏ lúa nền và lúa cỏ trong đất.
-          Sau khi gieo sạ phải đưa nước vào ruộng sớm trong giai đoạn đầu không nên để ruộng bị khô, ruộng khô sẽ tạo điều kiện cho lúa lẫn, lúa nên, lúa cỏ sâu trong đất mọc lên.
-          Khử lẫn, nhổ các lúa lẫn ở giai đoạn trước trổ.
Câu 3:
Hãy nêu các vùng sản xuất lúa chính ở đồng bằng SCL và các giống lúa chính phổ biến cho từng vùng?
-          Vùng phù sa ngọt sông tiền sông hậu: chủ yếu sử dụng các giống lúa chính như VND95-20,  OMCS 2000, IR64 và một số giống bổ sung như OM2517, OM2717, OM2718, lúa nếp, lúa đặc sản.
-          Vùng Tây sông Hậu và tứ giác Long Xuyên: sử dụng chủ yếu các giống lúa chủ lực như VND95-20,  OMCS 2000, IR64 đồng thời giảm diện tích các giống Jasmine 85, OM2514, OM2717.
-          Vùng Đồng Tháp Mười sử dụng các giống lúa cực sớm hoặc sớm làm giống chủ lực như OM576, OMCS2000, VND95-20, IR50404 bổ sung thêm các giống OM3636 với các giống đặc sản với tỉ lệ phù hợp.
-          Vùng bán đảo Cà Mau ngoài các giống VND95-20,OMCS2000, IR64 còn có các giống chủ lực như OM2728, OM2717, ST1, ST3. Tuy nhiên đối với các chân đất phèn ở vùng này cần sử dụng các giống chống chịu tốt như OM1350, OM2488, MTL149(IR56381), AS996
-          Vùng ven biển Nam Bộ: sử dụng các giống chủ lực như OM576, IR50404, OMCS2000, AS996, OM4498, VND95-20.

Thanh Hoá lai tạo, tuyển chọn đưa vào sản xuất nhiều giống lúa, ngô có ưu điểm vượt trội!

(Mard-22/9/2010): Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) giống cây nông nghiệp Thanh Hóa đã lai tạo thành công giống lúa lai Thanh ưu 3 với nhiều ưu điểm vượt trội: năng suất khá cao (bình quân 60-65 tạ/ha, nơi thâm canh tốt đạt đến 70 – 80 tạ/ha); chất lượng gạo khá, cơm ngon, dẻo; thời gian sinh trưởng ngắn (vụ xuân là 115-120 ngày, vụ mùa là 95-100 ngày); khả năng chống chịu sâu bệnh tốt.. Ông Nguyễn Xuân Sang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, đến vụ mùa 2010 này giống lúa lai 2 dòng Thanh ưu 3 đã được thử nghiệm 4 vụ gieo cấy xuân và mùa và đã khẳng định nhiều ưu điểm vượt trội, rất thích hợp cho cơ cấu mùa sớm để chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong vụ mùa (né lụt bão và làm vụ đông). Giống Thanh ưu 3 đã được gửi khảo nghiệm quốc gia, tiến tới chủ động sản xuất giống bố mẹ và sản xuất F1 trong tỉnh. 

Mới được thành lập chưa lâu (2003), hằng năm Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng KHKT giống cây trồng nông nghiệp Thanh Hoá đã thực hiện du nhập, khảo nghiệm hàng trăm loại giống lúa, ngô, đậu, lạc... Thông qua kết quả khảo nghiệm, Trung tâm đã xây dựng và đề xuất được hàng chục giống cây trồng mới bổ sung vào cơ cấu giống lúa và màu của tỉnh với nhiều ưu điểm vượt trội như các giống lúa lai 3 dòng: D. ưu 527, Nghi Hương 2308, SYN6, N. ưu 69...; giống lúa lai 2 dòng: VL20, TH3-3, TH3-4, Vân Quang 14...; các giống lúa thuần: Khang Dân đột biến, TBR1...; lúa chất lượng cao như Hương thơm số 1, Bắc thơm số 7, LT2... Nhiều giống ngô mới như LCH9, CP3Q, CPA88, NK4300, LVN885, B06..., các giống đậu tương ĐT96, ĐT84, ĐT12..., các giống lạc L23, L14, TB25... cũng đã được khảo nghiệm bổ sung vào cơ cấu cây trồng của tỉnh Thanh Hoá.

Sau khi du nhập, lai tạo, tuyển chọn, khảo nghiệm các giống cây trồng thành công, hằng năm Trung tâm đã phối hợp với các Trạm khuyến nông, Phòng nông nghiệp các huyện trong tỉnh để tổ chức khảo nghiệm sinh thái kết hợp với xây dựng các mô hình trình diễn để chuyển giao kỹ thuật gieo trồng các giống cây trồng mới đến nông dân, góp phần làm thay đổi cơ cấu giống cây trồng trong nông nghiệp, hướng tới sản xuất các loại lúa và màu có năng suất và chất lượng ngày càng cao, đồng thời thúc đẩy nhanh việc ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp ./.
(TTXVN)
mard.gov.vn

Vì sao hạt gạo Việt Nam vẫn long đong?

Thời gian gần đây, thị trường nông sản nói chung và lúa gạo nói riêng gặp rất nhiều biến động khiến đời sống người nông dân bị ảnh hưởng nặng nề, việc sản xuất lúa gạo gặp nhiều khó khăn. Bên lề Hội thảo cơ hội đầu tư vào nông nghiệp nông thôn trong bối cảnh mới vừa diễn ra tại Hà Nội, phóng viên KTNT có cuộc trao đổi với GS.TS Võ Tòng Xuân, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang về vấn đề đầu tư cho nông nghiệp - nông thôn và số phận hạt gạo Việt Nam.

Thưa giáo sư, thời gian vừa qua, thị trường lúa gạo lên xuống thất thường nên đã ảnh hưởng rất nhiều đến tình hình sản xuất và tiêu thụ lúa gạo của bà con nông dân. Trong đó, nhiều người cho rằng còn thiếu vai trò chỉ đạo của Nhà nước. Giáo sư có thể cho biết ý kiến về vấn đề này? 
Nông dân Việt Nam nói chung và nông dân Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng thời gian gần đây luôn luôn gặp phải nhiều khó khăn. Thứ nhất, do trình độ thấp nên họ chủ yếu sản xuất trên kinh nghiệm cổ truyền cha ông để lại. Ngay cả những nhà khoa học cũng rất tôn trọng kinh nghiệm dân gian, nhưng nếu bà con coi thường, chưa chú trọng khoa học kỹ thuật mới thì họ sẽ luôn phải hứng chịu thiệt hại. Ví dụ, khi sạ lúa không nên bón đạm, urê nhiều nhưng bà con luôn cho rằng: sạ lúa bón phân mới tốt, dẫn đến phải dùng nhiều thuốc trừ sâu. Do đó, môi trường bị thiệt hại, năng suất và giá thành lúa gạo không cao.
Thứ hai, ở nước ta, hệ thống thu mua lúa gạo còn rất hạn chế. Nhà nước thả lỏng còn tư thương thì mặc sức thao túng. Điều đáng nói là chúng ta không thể trách tư thương, bởi nếu không có họ thì không biết ai là người sẽ mua lúa của dân. Tư thương nhỏ phải liên kết với những tư thương lớn hơn, sau đó lại qua tay tư thương xay xát, đánh bóng rồi mới đến doanh nghiệp xuất khẩu nên nông sản sang được tới chợ phải qua quá nhiều công đoạn. Trong khi thế giới đang rơi vào cuộc khủng hoảng lương thực, chuyển từ bắp, lúa mì sang lúa gạo, thì với cách làm ăn này, người nông dân không được hưởng bao nhiêu trong cuộc khủng hoảng đó. Cái lợi lớn nhất vẫn rơi vào tay thương lái và doanh nghiệp xuất khẩu. Trong chuỗi tiêu thụ này, ta càng thấy rõ vai trò chỉ đạo của Nhà nước, nếu không nhạy bén thì thiệt hại rất lớn. Đơn cử như vụ đình chỉ xuất khẩu gạo vừa qua, lúc giá xuất khẩu 1.000 - 1.200 USD/tấn thì Nhà nước không cho bán vì sợ thiếu gạo mà không phân tích nguyên nhân sâu xa là do bọn đầu cơ tích trữ, đến lúc các nước tăng gia tích trữ lương thực tránh khủng hoảng, nước nào cũng nhiều lúa, nhiều gạo, giá thấp không ai muốn mua thì ta lại muốn bán, đẩy mạnh xuất khẩu. Nghịch lý là ở chỗ đó.
Một số người cho rằng, Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới nhưng từ trước đến nay, chỉ thấy gạo Thái Lan trên thị trường nước ngoài chứ không hề thấy gạo do Việt Nam sản xuất, tại sao vậy thưa ông?
Điều đó là sự thực vì cách phân phối, thu mua lúa gạo của chúng ta vẫn rất lạc hậu, chỉ quan tâm tới số lượng mà quên chất lượng. Nhà nước cũng chưa có bộ phận chuyên trách ngó ngàng đến vấn đề này. Chúng ta có Bộ Công Thương nhưng chính bản thân họ cũng không mấy năng nổ trong việc tìm đầu ra cho nông sản và xây dựng thương hiệu cho lúa gạo. Muốn nông sản trong nước có đầu ra bền vững, giá xuất khẩu cao, chúng ta rất cần những doanh nghiệp thật “sừng sỏ”. Chính những doanh nghiệp này sẽ chủ động xây dựng vùng nguyên liệu cho chính họ.
Gạo Việt Nam tại sao chưa có thương hiệu? Tôi cho rằng nguyên nhân chủ yếu chính là khâu chất lượng chưa đạt tiêu chuẩn. Những công ty xuất khẩu gạo thường thu mua gạo của những thương lái ở khắp mọi ngõ ngách ĐBSCL, còn thương lái lại thu mua của những nông dân cá thể ở nhiều cánh đồng khác nhau với nhiều giống lúa khác nhau. Do không có kho chứa nên thương lái mua về là pha trộn lẫn lộn các loại lúa gạo. Với kiểu thu mua, chế biến như vậy, hạt gạo Việt Nam khó có thể đảm bảo chất lượng đồng nhất và phải chấp nhận số phận long đong, nói gì đến chuyện thương hiệu. Và đương nhiên, gạo Việt Nam luôn phải nằm dưới tên của một công ty nào đó ở nước ngoài. 
Số phận hạt gạo Việt Nam lao đao đến bao giờ?.

Thưa ông, liệu chúng ta có thể áp dụng hình thức hợp đồng thu mua lúa giữa nông dân và doanh nghiệp?
Điều này rất khó, vì sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL vẫn trong tình trạng manh mún, mỗi nhà vài thửa ruộng, vài giống lúa. Ta đã có Quyết định 80/2002/QĐ-TTg ngày 24/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ nhưng Quyết định này cũng còn nhiều bất cập do không hề có điều kiện ràng buộc giữa 2 bên, không tính đến việc chia lại khoản chênh lệch khi thị trường biến động. Doanh nghiệp cứ ký hợp đồng vô tư bởi thực chất không có gì ràng buộc họ, cuối cùng nông dân lại phá hợp đồng bán cho người khác. Để việc gắn kết bền hơn, người nông dân cần dựa vào một tập thể, cần có vùng nguyên liệu lớn. Khi sự quyết định do tập thể chứ không phải do cá nhân thì chắc chắn cả nông dân và doanh nghiệp đều có lợi.
Vậy, theo ông chúng ta phải có giải pháp như thế nào để cải thiện tình trạng sản xuất và thu mua lúa gạo như trên?
Chúng ta có thuận lợi lớn là sở hữu vùng đồng bằng đất đai trù phú, cư dân nông nghiệp nhiều kinh nghiệm nhưng những hạn chế trong khâu thu mua, tiêu thụ lúa gạo nói riêng và nông sản nói chung đang là rào cản lớn khiến nông sản Việt khó trụ vững trên thị trường, thường xuyên bị ép giá. Nông dân có thể nuôi trồng nhiều loại cây con nhưng luôn bị động trong khâu tiêu thụ. Thứ nhất, phía Nhà nước không có bộ phận chức năng xông xáo, hữu hiệu trong việc mở thị trường mới cho nông sản; các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động rất thụ động, thậm chí có nơi còn làm ăn không đàng hoàng, không thực hiện nghiêm túc các cam kết trong hợp đồng nên mất uy tín với đối tác. Dĩ nhiên có một số doanh nghiệp năng nổ nhưng số đó chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi đó, lượng nông sản rất đồ sộ.
Muốn đẩy mạnh tiêu thụ lúa gạo theo hướng bền vững, chúng ta rất cần nhiều nhà kinh doanh nông sản tài giỏi để họ tìm thị trường, tổ chức lại vùng nguyên liệu hợp lý, từ đó, nông dân có hướng sản xuất ổn định, tạo vùng nguyên liệu đồng nhất để doanh nghiệp có những sản phẩm tốt, có thương hiệu.
Phía Nhà nước phải thực hiện vai trò chủ chốt của mình, đó là đề ra chính sách khuyến khích nông dân liên kết lại với nhau để họ cùng sản xuất một giống lúa, áp dụng một phương pháp giao trồng và lịch thời vụ hợp lý; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, hạn chế dùng thuốc trừ sâu, phân bón hoá học... Đồng thời, phải có cơ chế và khuyến khích thành lập những HTX, tổ hợp tác nhằm tập hợp nông dân, làm sao để họ thấy rằng: nếu không vào HTX là mất quyền lợi. Khi có những tổ hợp tác hay HTX như vậy, doanh nghiệp hay thương lái chỉ cần liên hệ thông qua một đầu mối là HTX để có những sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và thu mua với giá có lợi cho nông dân.
Xin cảm ơn ông!
Minh Huệ: KTNT 
(trích từ Cục Trồng trọt)